KIRISFUND - Weekly Report (03/03/2025-07/03/2025)
- Kiris Research Team
- Mar 11
- 13 min read
Updated: Mar 13
03/03
VN-Index
Thị trường chứng khoán khởi sắc: VN-Index tăng hơn 4 điểm, giữ vững đà tăng
Phiên giao dịch ngày 3/3, VN-Index duy trì sắc xanh dù thị trường có lúc rung lắc mạnh. Kết phiên, chỉ số tăng 4,01 điểm, đạt 1.039,37 điểm với 240 mã tăng, 223 mã giảm, và 89 mã đứng giá. Thanh khoản sàn HoSE đạt hơn 976 triệu cổ phiếu, tương ứng 21.131 tỷ đồng giá trị giao dịch.

Cổ phiếu dẫn dắt và cản trở:
Tăng mạnh: bộ ba nhà VinGroup với VHM tăng 3,28%, hai mã VIC và VRE cũng tăng ở ngưỡng 2%. Ngoài ra, nhóm chứng khoán cũng đóng góp với các mã như FTS, SSI, và VCI tăng lần lượt 4,86%, 3,06% và 2,33%.
Gây áp lực: sức ép đến từ các cổ phiếu ngân hàng, với vài mã giảm như TPB (-2,99%), CTG (-0,6%), SHB (-0,8%). Đà giảm của ngành ngân hàng được cải thiện trong phiên chiều.
Giao dịch khối ngoại trên HoSE:
Bán ròng 383 tỷ đồng, tập trung vào TPB (-256,49 tỷ), TNH (-127,4 tỷ), FPT (-72,97 tỷ)
Mua ròng với lực yếu hơn, tập trung vào các cổ phiếu VHM, VCI, GEX, HPG.


Dòng tiền đang quay lại các nhóm ngành dẫn dắt như bất động sản, thép, và chứng khoán. Thống kê lịch sử cũng cho thấy VN-Index có xác suất tăng cao trong tháng 3, củng cố kỳ vọng lạc quan cho thị trường trong ngắn hạn.
Thế giới
Thị trường chứng khoán Mỹ: NVDA gãy mạnh, lo sợ suy thoái quay trở lại
Kết phiên ngày 3/3, S&P 500 giảm 1.76% xuống 5,849.72 điểm, mức giảm mạnh nhất từ 12/2024. Dow Jones mất 1.48%, còn 43,191.24 điểm. Nasdaq Composite lao dốc 2.64% xuống 18,350.19 điểm.
NVIDIA giảm gần 8,7%, nguyên nhân chính đến từ khả năng NVIDIA bị điều tra vì lách luật cấm vận xuất khẩu chip vào Trung Quốc. Cụ thể, nhiều máy chủ được cung cấp bởi Dell và SMCI, có khả năng chứa chip từ NVIDIA, đã bị tuồn vào Singapore và rồi chuyển sang Malaysia. Theo ông K Shanmugam, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Pháp luật của Singapore, Singapore sẵn sàng phối hợp với các cơ quan liên quan của Mỹ để điều tra vụ việc. Báo cáo Thường niên mới đây của NVIDIA cho thấy Singapore chiếm 18% tổng doanh thu - một con số quá lớn đối với một thị trường nhỏ như Singapore. Ngoài ra, các lô hàng thực tế đến Singapore chỉ chiếm chưa đến 2%.

Luân chuyển ngành diễn ra, với việc dòng tiền dịch chuyển mạnh sang các ngành mang tính thiết yếu như Tiêu dùng, Chăm sóc sức khỏe, và Tiện ích.

Dự báo tăng trưởng GDP Q1 2025 từ Atlanta FED là -3%, trong khi cách đây 2 tuần là 2,3%, dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế.

Khối ngành năng lượng giảm mạnh khi OPEC+ thông báo sẽ tăng sản lượng dầu mỏ lên 2,2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ ngày 1 tháng 4. Giá dầu Brent và WTI cũng giảm mạnh, lần lượt xuống mức 71,12 USD/thùng và 68,06 USD/thùng ở cuối phiên giao dịch.
Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận mức thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada sẽ có hiệu lực vào ngày 4/3, xác nhận chiến tranh thương mại đã xảy ra.
04/03
VN-Index
VN-Index vững vàng vượt mốc 1.310 điểm bất chấp rung lắc mạnh
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 4/3 diễn biến giằng co, VN-Index có lúc mất mốc 1.300 điểm nhưng nhờ lực cầu mạnh vào cuối phiên, chỉ số đã đảo chiều tăng điểm.

Kết quả giao dịch:
VN-Index: Tăng 2,54 điểm (+0,19%) lên 1.311,91 điểm.
VN30: Tăng 6,81 điểm lên 1.367,97 điểm.
Thanh khoản thị trường đạt mức cao nhất trong 5 phiên với hơn 1,17 tỷ cổ phiếu được giao dịch, tương ứng giá trị gần 25.000 tỷ đồng, riêng HOSE giao dịch 23.192 tỷ đồng.
Cổ phiếu dẫn dắt và cản trở:
Nhóm cổ phiếu blue-chip, đặc biệt là ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt với TCB tăng 5,36%, MBB tăng 1,3% và CTG tăng 0,85%, giúp nâng đỡ thị trường.
Ngược lại, một số mã lớn như FPT (-0,5%), BSR (-1,21%) và VPB (-0,52%) tạo áp lực kìm hãm đà tăng của chỉ số.
Giao dịch khối ngoại:
Khối ngoại bán ròng 337 tỷ đồng, tập trung ở TPB, SSI, BID; mua ròng ở VHM, VCI, MWG.


Dù áp lực bán mạnh đầu phiên, VN-Index vẫn giữ vững đà tăng nhờ sự bứt phá của nhóm blue-chips, đặc biệt là cổ phiếu ngân hàng. Dòng tiền bắt đáy cùng thanh khoản cao cho thấy niềm tin của nhà đầu tư đang dần được củng cố. Với nền tảng tích cực này, thị trường được kỳ vọng sẽ tiếp tục kiểm định các vùng kháng cự cao hơn trong các phiên tới.
Thế giới
Thị trường chứng khoán Mỹ: lao dốc vì lo ngại thuế quan mới
Kết phiên này 4/3, S&P 500 giảm 1.22% xuống 5,778.15 điểm, Dow Jones tuột dốc còn 42,520.99 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 0.35% và kết thúc ở mức 18,285.16 điểm.
Mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico có hiệu lực từ hôm nay. Một số mặt hàng nhập khẩu chính từ hai nước này là dầu thô, ô tô, linh kiện ô tô, và máy tính. Động thái này vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Thủ tướng Canada Justin Trudaeu và Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum
Tổng thống Trump còn tăng 10% thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, đẩy mức thuế lên 20%. Trung Quốc cũng ngay lập tức đáp trả bằng việc áp thuế 15% lên một số mặt hàng từ Mỹ.
Tuy nhiên, động thái đáp trả này được đánh giá khá yếu ớt khi mà giá trị áp thuế lên hàng hóa từ Mỹ là khoảng 21 tỷ USD, trong khi đó ở chiều ngược lại Hoa Kỳ đã áp thêm 10% thuế lên gần 400 tỷ hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Các cổ phiếu chịu ảnh hưởng:
GM giảm hơn 4% và Ford mất gần 3% do lo ngại tác động từ việc áp thuế nhập khẩu ô tô.
Chipotle - chuỗi nhà hàng Mexico nổi tiếng, giảm 2% do phụ thuộc vào nguồn cung quả bơ từ Mexico.
Target - chuỗi bán lẻ và siêu thị lớn - cũng giảm 3% sau khi CEO cảnh báo về khả năng tăng giá một vài sản phẩm trong những ngày tới.

05/03
VN-Index
VN-Index ngày 5/3: Sau chuỗi tăng liên tiếp, thị trường điều chỉnh giảm hơn 7 điểm
Sau nhiều phiên tăng liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 5/3 ghi nhận nhịp điều chỉnh khi VN-Index giảm 7,20 điểm xuống còn 1.304,71 điểm. Phiên giao dịch ghi dấu sự giằng co mạnh, với áp lực bán tăng cao vào cuối phiên

Kết quả giao dịch:
VN-Index: Giảm 7,2 điểm (-0,54%) xuống còn 1.304,71 điểm.
VN30: Giảm 4,06 điểm xuống mức 1.363,91
Thanh khoản thị trường tuy giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao, với tổng giá trị giao dịch đạt gần 24.748 tỷ đồng
Cổ phiếu dẫn dắt và cản trở:
Nhóm blue-chip đưa thị trường đạt đỉnh đầu phiên sáng, song hụt hơi và góp phần làm VN-Index lao dốc phiên chiều. Các cổ phiếu nâng đỡ thị trường gồm VHM, VIC, MBB, LPB.
Lực bán ở các nhóm ngành hóa chất, dệt may, thực phẩm tiêu dùng, cùng với sự giảm điểm của vài ông lớn như HPG, BID, CTG, FPT đã gây áp lực cho thị trường. Dòng tiền đang có dấu hiệu rời khỏi nhóm cổ phiếu đầu cơ, thúc đẩy làn sóng chốt lời trên các mã đã tăng mạnh trước đó.
Giao dịch khối ngoại:
Kém tích cực. Khối ngoại bán ròng 352 tỷ đồng trên HOSE, tập trung vào các mã như GMD (-95,51 tỷ đồng), HPG (-92,16 tỷ đồng), VIB (-75,76 tỷ đồng).
Mua ròng các mã MWG, TNH, VHM, CTG, VCI.


Dù lực bán áp đảo, VN-Index vẫn giữ được trên mốc 1.300 điểm — cho thấy lực giảm hôm nay đến từ việc các nhà đầu tư chốt lời và luân chuyển danh mục. Điều này cho thấy tâm lý nhà đầu tư vẫn khá lạc quan, kỳ vọng nhịp phục hồi trong những phiên sắp tới.
Thế giới
Thị trường chứng khoán Mỹ: hồi phục mạnh nhờ tin miễn thuế ngành ô tô
Thị trường chứng khoán Mỹ bật tăng trong phiên giao dịch ngày 5/3, nhờ thông tin Nhà Trắng tạm thời miễn thuế 1 tháng cho các nhà sản xuất ô tô tuân thủ Hiệp định Mỹ - Mexico - Canada. Kết thúc phiên, chỉ số Dow Jones tăng 485,60 điểm (+1,14%) lên 43.006,59 điểm, S&P 500 nhích lên 1,12% đạt 5.842,63 điểm và Nasdaq Composite tăng 1,46% lên 18.552,73 điểm
Các cổ phiếu hưởng lợi:
Nhóm cổ phiếu ô tô hưởng lợi mạnh: Stellantis tăng 9%, Ford tăng 5%, General Motors tăng 7%
Cổ phiếu công nghệ đảo chiều tích cực: Microsoft và Tesla đều tăng mạnh sau nhiều phiên giảm.

Trung Quốc: đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 5% bất chấp áp lực thuế từ Mỹ
Trong báo cáo công tác ngày 5/3, Thủ tướng Lý Cường công bố mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% và kế hoạch tạo ra 12 triệu việc làm mới ở thành thị. Chính phủ đặt trọng tâm vào kích cầu nội địa để thúc đẩy tăng trưởng, cam kết phát hành 300 tỉ nhân dân tệ (khoảng 41,2 tỉ USD) trái phiếu đặc biệt hỗ trợ các chương trình đổi hàng tiêu dùng.
Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định mục tiêu này sẽ không dễ dàng đạt được:
Thương mại gặp khó: Mỹ tăng gấp đôi thuế với hàng hóa Trung Quốc lên 20%, thậm chí 45% với một số mặt hàng. Trung Quốc đáp trả bằng thuế 15% lên hàng nông sản Mỹ, làm gia tăng căng thẳng thương mại.
Tập trung đổi mới sáng tạo: Bắc Kinh sẽ tăng tài trợ cho các ngành công nghiệp tương lai như AI và 6G, hướng tới xây dựng "lực lượng sản xuất chất lượng mới".
Chi tiêu quốc phòng tăng: Ngân sách quốc phòng tăng 7,2% lên 245 tỉ USD, củng cố vị thế quân sự của Trung Quốc trên thế giới.

06/03
VN-Index
VN-Index phục hồi mạnh mẽ, tăng hơn 15 điểm trong phiên 6/3
Thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 6/3 ghi nhận đà hồi phục ấn tượng khi tâm lý tích cực trở lại. Dòng tiền mạnh mẽ đổ vào các cổ phiếu lớn giúp VN-Index tăng 13,51 điểm, chốt phiên ở mức 1.318,22 điểm, với 365 mã tăng, 121 mã giảm và 52 mã đứng giá.

Kết quả giao dịch:
VN-Index: Tăng hơn 13 điểm (+1,03%) lên 1.318,22.
VN30: Tăng 15,71 điểm lên 1.379,62.
Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, với hơn 1 tỷ cổ phiếu giao dịch, tương đương 22.412 tỷ đồng về giá trị giao dịch.
Diễn biến thị trường:
18/21 nhóm ngành tăng điểm, dẫn đầu là chứng khoán, bán lẻ, thép và bất động sản khu công nghiệp.
Ngược lại, nhóm hàng không, thực phẩm tiêu dùng và dầu khí điều chỉnh nhẹ.
Cổ phiếu dẫn dắt và cản trở:
Tăng mạnh: Các cổ phiếu blue-chip như HPG, FPT, MBB, MWG, TCB, VHM đều thu hút dòng tiền lớn, khớp lệnh từ 200 tỷ đồng trở lên. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng được mạnh tay mua: VIX tăng kịch trần (+6,76%); các cổ phiếu khác như SSI, HCM, VCI đều tăng trên 3%.
Giảm điểm: BCG bị chốt mạnh tay, giảm 6,24%. Ngoài ra lực bán còn đến từ các mã như VPI (-1,19%) và các mã VIB (-0,24%), PLX (-0,23%), GAS (-0,15%)..
Khối ngoại bất ngờ quay lại mua ròng:
Sau 10 phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại mua ròng 394 tỷ đồng trên toàn thị trường.
Trên HOSE, mua ròng mạnh các mã: HPG (+197,16 tỷ), MWG (+159,41 tỷ), EIB (+129,05 tỷ), trong khi bán ròng TPB (118,71 tỷ), NLG (-75,65 tỷ), VNM (gần 74 tỷ).


Phiên giao dịch ngày 6/3 đã xóa tan lo ngại trước đó, khi VN-Index không chỉ lấy lại toàn bộ mức giảm mà còn đạt biên độ tăng mạnh nhất trong 25 phiên gần đây. Đà mua ròng của khối ngoại và dòng tiền bùng nổ là tín hiệu tích cực cho thị trường trong những phiên sắp tới.
Thế giới
Thị trường Hoa Kỳ: Chứng khoán Mỹ giảm mạnh do lo ngại xoay quanh chính sách thuế quan
Thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc vào ngày 6/3 khi những nhượng bộ từ Nhà Trắng về chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump không đủ trấn an nhà đầu tư. Tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent ủng hộ thuế quan càng làm gia tăng bất ổn. Ông nhấn mạnh chính sách thương mại "Nước Mỹ trên hết" và chỉ trích Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Chỉ số Dow Jones mất 427,51 điểm (giảm 0,99%) xuống còn 42.579,08 điểm, từng rơi hơn 600 điểm trong phiên.
S&P 500 giảm 1,78% xuống 5.738,52 điểm, trong khi Nasdaq Composite giảm 2,61% còn 18.069,26 điểm, chính thức bước vào vùng điều chỉnh (giảm hơn 10% từ đỉnh gần nhất).
Tuần tồi tệ nhất từ tháng 9/2024: Nasdaq giảm hơn 4%, Dow Jones và S&P 500 lần lượt mất 2,9% và 3,6%.
Thâm hụt thương mại tháng 1 tăng 34%, đạt 131,4 tỷ USD và vượt mức dự báo. Điều này đến từ hoạt động front-loading (các công ty tăng cường nhập hàng hóa trước khi thuế quan từ Tổng thống Trump đi vào hiệu lực). Trong đó, giá trị nhập khẩu đạt hơn 400 tỷ - tăng 10% - trong khi giá trị xuất khẩu chỉ tăng 1,2%.

Báo cáo Cắt giảm việc làm từ Challenger cho thấy sự tăng vọt trong sa thải lao động, phần lớn đến từ khu vực chính phủ liên bang và bán lẻ. Challenger cho rằng DOGE (Bộ Hiệu quả Chính phủ) là nguyên nhân hàng đầu của việc cắt giảm.

Các cổ phiếu chịu ảnh hưởng:
Marvell Technology giảm gần 20% sau dự báo lợi nhuận gây thất vọng.
Các công ty chip lớn như Nvidia, ON Semiconductor và TSMC đều giảm sâu.
Thị trường Châu Âu:
ECB giảm lãi suất thêm 0,25% xuống mức 2,5%, tuy nhiên không đưa ra cam kết thêm về lộ trình cắt giảm sắp tới. Theo Financial Times, ECB điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2025, 2026, và 2027 xuống mức thấp hơn do lo ngại bất ổn trong thương mại quốc tế.
2025: 0,9%
2026: 1,2%
2027: 1,3%
ECB cũng điều chỉnh tăng nhẹ lạm phát 2025 lên 2,3% do đà tăng của giá năng lượng, nhưng kỳ vọng sẽ giảm nhờ giá khí đốt hạ nhiệt.

07/03
VN-Index
VN-Index tiếp tục tăng điểm, vượt mốc 1.320 vào ngày 7/3
Thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng trong phiên giao dịch ngày 7/3, nhờ lực kéo mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Toàn sàn ghi nhận 271 mã tăng, 185 mã giảm và 89 mã đứng giá.

Kết quả giao dịch:
VN-Index: Tăng gần 8 điểm (+0,59%) lên 1.326,05.
VN30: Tăng 10,15 điểm (+0,74%) lên 1.389,77.
Tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn đạt 22.656 tỷ đồng, riêng sàn HOSE ghi nhận 20.700 tỷ đồng.
Cổ phiếu dẫn dắt và cản trở:
Sức kéo đến từ cổ phiếu họ Vingroup: VIC, VHM, VRE đóng góp khoảng 4,2 điểm vào mức tăng của VN-Index. Bên cạnh đó là lực tăng hơn 1% từ các blue-chip ngân hàng như: MBB (+1,66%), CTG (+1,8%), HDB (+1,52%), và SSB (+1,03%)
Giảm điểm: dấu hiệu thị trường điều chỉnh khi dòng tiền dịch chuyển khỏi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Các mã giảm nổi bật có thể kể đến như EIB (-2,48%), VCG (-1,82%), và DBC (-1,13%). Dù vậy, nhiều mã vẫn giữ được sắc xanh như VCI (+1,17%), PDR (+1,5%), DIG (+1%), TCH (+2,6%), NLG (+1,66%).
Khối ngoại đảo chiều bán ròng:
Bán ròng: hơn 210 tỷ đồng trên toàn thị trường, tập trung vào FPT (-104,46 tỷ), MSN (gần 80 tỷ), DGC (-51,51 tỷ) và VNM (-gần 37 tỷ)
Mua ròng: tập trung vào các blue-chip như VIC (95,39 tỷ), HPG (+84,26 tỷ), và MWG (gần 70 tỷ).


Với áp lực chốt lời xuất hiện ở các mã vốn hóa nhỏ, nhà đầu tư cần theo dõi sát diễn biến thị trường trong những phiên tới để đưa ra quyết định hợp lý.
Thế giới
Thị trường chứng khoán Mỹ: phục hồi nhẹ, khép lại tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 9
S&P 500 tăng 0,55% lên 5.770,20 điểm, trong khi Nasdaq Composite nhích 0,7% lên 18.196,22 điểm. Dow Jones cũng tăng 222,64 điểm (0,52%) lên 42.801,72 điểm.
Tính chung cả tuần: S&P 500 giảm 3,1% — tuần tệ nhất kể từ tháng 9/2024. Dow Jones mất 2,4%, còn Nasdaq giảm sâu 3,5%, chính thức vào vùng điều chỉnh khi rơi 10% so với đỉnh gần nhất.
Báo cáo việc làm gây lo ngại: Mỹ chỉ tạo thêm 151.000 việc làm trong tháng 2, thấp hơn dự báo 170.000. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 4,1%, làm dấy lên lo ngại về suy yếu kinh tế.
Chính sách thuế đầy bất ổn: Dù ông Trump hoãn áp thuế với hàng hóa từ Canada và Mexico đến ngày 2/4, thị trường vẫn bán tháo mạnh do thiếu sự rõ ràng về lộ trình dài hạn.

Tổng thống Trump thành lập Quỹ Dự trữ Bitcoin Chiến lược
Tổng thống Trump ký lệnh lập "Dự trữ Bitcoin Chiến lược": Sử dụng Bitcoin chính phủ đã tịch thu từ các vụ án hình sự và dân sự, không mua thêm ngay lập tức.
Phản ứng thị trường: Giá Bitcoin giảm 5% xuống còn $85.000 sau thông báo, nhưng hồi phục lên $89.200 trong phiên giao dịch châu Âu.
Kế hoạch mua trong tương lai: Chính phủ có thể mua thêm Bitcoin nếu không phát sinh chi phí cho người nộp thuế — giao Bộ Thương mại và Bộ Tài chính phát triển chiến lược.
Ý nghĩa biểu tượng: Đây là lần đầu tiên Bitcoin được chính thức công nhận là tài sản dự trữ của chính phủ Mỹ, nhưng chưa có thông tin về số lượng hay thời gian mua thêm.
Thất vọng từ giới đầu tư: Thị trường kỳ vọng chính phủ mua Bitcoin để hỗ trợ giá, nhưng thực tế chỉ là hợp thức hóa số Bitcoin sẵn có. Giá Bitcoin từng đạt đỉnh $109.071,86 vào tháng 1 nhờ kỳ vọng chính sách thuận lợi.

Comments